Tháo gỡ khó khăn nhân lực ngành cơ khí

Trong thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, ngành cơ khí đã có nhiều cố gắng, nỗ lực vươn lên, tạo sự chuyển biến bước đầu ở một số lĩnh vực, như chế tạo thiết bị cơ khí thủy công, chế tạo dàn khoan dầu khí, thiết bị điện, chế tạo và cung cấp thiết bị cho các dự án xi măng, đóng tàu, các công trình thiết bị toàn bộ v.v..

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành cơ khí nước ta còn một số hạn chế và yếu kém. Các doanh nghiệp cơ khí nhà nước chậm đổi mới, các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, ít quan tâm đến đầu tư vào ngành cơ khí. Việc đầu tư trong ngành cơ khí còn ít và mang tính chất phân tán, khép kín trong từng doanh nghiệp.

Để khắc phục những mặt hạn chế và tồn tại,Thủ tướng chính phủ chỉ thị các bộ ngành tập trung nguồn lực phát triển ngành cơ khí Việt Nam trở thành một ngành công nghiệp chủ chốt, góp phần tích cực hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước:

– Xây dựng Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó chọn lọc và ưu tiên phát triển sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ cho công nghiệp ô tô; đóng tàu; cơ khí giao thông vận tải; máy động lực; máy và thiết bị phục vụ cơ giới hóa nông – lâm – ngư nghiệp và công nghiệp chế biến; xử lý và tráng phủ kim loại sử dụng công nghệ hiện đại; gia công, chế tạo các chi tiết cơ khí có độ chính xác cao; các sản phẩm có tính trao đổi cao, sản lượng lớn để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các Tập đoàn đa quốc gia.

– Xây dựng Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta theo hướng lựa chọn các sản phẩm cơ khí trọng điểm cụ thể tập trung chủ yếu vào các chuyên ngành cơ khí chế tạo, đóng tàu, cơ khí giao thông vận tải, cơ khí phục vụ nông – lâm – ngư nghiệp và công nghiệp chế biến, trang thiết bị y tế, thiết bị điện và thiết bị đồng bộ, đảm bảo mục tiêu phát triển ngành cơ khí Việt Nam nhanh, ổn định và bền vững, có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

– Rà soát, đề xuất chính sách thuế nhằm khuyến khích phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm cần ưu tiên phát triển sản xuất phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế; các chính sách về đất đai đối với các Dự án sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và công nghiệp hỗ trợ.

– Tập trung giải quyết vướng mắc về thủ tục hành chính thuế, hải quan để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu thiết bị, vật tư sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cơ khí.

– Ưu tiên bố trí nguồn vốn khoa học và công nghệ để hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ, mua bản quyền thiết kế, mua phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm và công nghiệp hỗ trợ.

– Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất trong nước thiết bị sản xuất vật liệu không nung, thiết bị xử lý chất thải rắn đô thị, thiết bị xử lý, sử dụng tro, xi, thạch cao từ sản xuất công nghiệp để sản xuất vật liệu xây dựng nhằm mục đích tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, hướng đến sản xuất sạch và bền vững, giảm tỷ lệ nhập khẩu đối với các dây chuyền sản xuất lớn về xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, khai thác sản xuất đá xây dựng, đá ốp lát; chế tạo các thiết bị đồng bộ cho dây chuyền xi măng lò quay công suất trên 2.500 tấn clinker/ngày.

– Xây dựng, ban hành, thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để bổ sung cho ngành cơ khí, đặc biệt là lực lượng nghiên cứu, thiết kế và đội ngũ công nhân có tay nghề cao.

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất, xây dựng cơ chế đặc thù riêng phù hợp với địa phương để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cơ khí và đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí trên địa bàn.

– Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, Tổng hội Cơ khí Việt Nam hướng dẫn và điều phối các doanh nghiệp thành viên tăng cường sự hợp tác, liên kết, tạo sự chuyên môn hóa trong sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cơ khí Việt Nam.